Nhà vua trở về nước Karl XII của Thụy Điển

Vua Karl XII xô xát với Ngự Lâm quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Bender.

Nhà vua Thụy Điển, do ngoan cố, đã không để cho Trẫm và Thần dân được chung sống hòa bình. Đây hoàn toàn là lý do tối hậu khiến chúng ta đã tiến quân vào vùng đất Estonia,...

— Tuyên ngôn của Pyotr I Đại Đế về cuộc chinh phạt xứ Estonia (1710)[73]

Vào năm 1711, quân Ottoman đánh bại quân Nga trong trận đánh trên sông Pruth; sau đó, hai bên nhanh chóng ký kết Hòa ước. Với lại, việc tướng Magnus Stenbock bị quân Đan Mạch đánh bại đã khuyến khích vua Karl XII về nước.[71] Mệt mỏi với vị khách Hoàng gia của mình, Sultan Ahmed III quyết định trục xuất vua Karl XII ra khỏi Đế quốc Ottoman. Tuy nhiên, ông từ chối, và thế là cuộc xô xát tại Bender diễn ra vào ngày 1 tháng 2 năm 1713: trong vòng tám tiếng đồng hồ, ông chỉ với vài chục binh sĩ chống chọi với hàng ngàn quân Ottoman trong căn nhà không được phòng thủ của mình.[74] Nhà vua Thụy Điển đã bị bắt sống. Do tình hình có chuyển biến, triều đình Constantinopolis thả ông khỏi Demotika vào ngày 1 tháng 9 năm 1714,[75] và ông quyết định giấu tung tích trong chuyến trở về. Vào ngày 20 tháng 9 năm 1714, ông cải trang lên đường, mang hộ chiếu với tên giả.[cần dẫn nguồn] Ông không dừng lại nơi nào quá một giờ, ít khi qua đêm trong quán trọ mà thích ngủ trên một xe đưa thư. Đến đêm 10 tháng 11, ông về đến Stralsund. Sau 15 năm đi vắng, nhà vua Thụy Điển đã trở về lãnh thổ thuộc Thụy Điển. Chuyến đi tạo nên một chuyện thần kỳ. Trong vòng không đến 14 ngày, nhà vua đã di chuyển gần 2.100 kílômét, tức 160 kílômét mỗi ngày - mức độ thần tốc thời bấy giờ.

Karl XII lưu lại Stralsund, ra lệnh gửi quân và pháo tăng viện. Hội đồng Nhiếp chính không thể cưỡng lệnh của nhà vua giờ đã đặt chân lên lãnh thổ thuộc Thụy Điển, nên gửi đến 14.000 quân. Tân vương nước Phổ lúc bấy giờ là Friedrich Wilhelm I đã đàm phán với vua Karl XII để lập lại nền hòa bình của phương Bắc, ông không đồng ý: ông đòi nhà vua nước Phổ nộp thành phố Stettin cho ông, nhưng không trả chiến phí cho liên quân Nga - Sachsen theo đề nghị của Friedrich Wilhelm I. Do đó, vua Friedrich Wilhelm I đã tuyên chiến với ông.[76] Đúng như Karl dự đoán, vào mùa hè 1715 liên quân PhổĐan MạchSachsen gồm 55.000 binh sĩ tấn công Stralsund.

Đường tiếp tế cho thị trấn là qua biển Baltic. Nếu Hải quân Thụy Điển tải đến đủ quân nhu và đạn dược, vua Karl XII có thể cầm cự đến mùa thu. Nhưng hải quân Đan Mạch xuất hiện giao chiến với Hải quân Thụy Điển, rồi có 8 chiến hạm lớn của Anh trợ lực, khiến hạm đội Thụy Điển phải rút về. Khi đường biển bị cắt đứt, việc thất thủ Stralsund là không tránh khỏi. Quả nhiên, vào ngày 22 tháng 12 năm 1715, Stralsund đầu hàng.[77] Bấy giờ, chỉ còn một nhóm quan quân Thụy Điển cùng vua tiếp tục theo đuổi cuộc chiến.[78]

Trước đó, vua Karl XII đã rời đi trên một chiếc thuyền nhỏ, rồi được một chiến hạm Thụy Điển đưa về chính quốc. Bốn giờ sáng ngày 24 tháng 12 năm 1715, sau 15 năm và 3 tháng vắng bóng, nhà vua Thụy Điển đặt chân trở lại trên đất nước của ông.

Vị vua Karl cứng đầu đã trở về Thụy Điển tạo dựng một đoàn quân mới,[78] rồi sau đó lại dẫn quân đi đánh Đan Mạch. Vì một cơn giông làm mặt băng bị vỡ, ông chuyển hướng đi đánh miền nam Na Uy, lúc này còn là một tỉnh của Đan Mạch. Ông chiếm được thành phố Kristiania (hiện nay là thủ đô Oslo của Na Uy) vào năm 1716, với mong muốn mở rộng nền thương mại của Đế quốc Thụy Điển. Nhưng, sau đó ông phải rút quân về vì thiếu hàng hậu cần và không chuẩn bị kỹ Quân đội Thụy Điển.[78] Sau đó, ông tiến hành vây hãm thành Fredrikshald, nhưng hạm đội tiếp viện của Thụy Điển bị Đô đốc Đan Mạch là Peter Tordenskjold đánh bại trong trận chiến Dynekilen.[79].

Mùa thu 1716, trong khi liên minh Anh, Hà Lan, Đan Mạch và Nga chuẩn bị đánh Thụy Điển bằng Hải quân, vua Karl XII chia quân ra trấn giữ và củng cố các pháo đài. Nhưng vào ngày 17 tháng 9, Nga hoàng Pyotr I thình lình tuyên bố bãi bỏ cuộc tiến công vì cho rằng đã quá muộn, phải hoãn đến năm sau.

Không biết liệu việc đổ bộ được bãi bỏ hẳn hay là chỉ được dời qua mùa xuân năm sau, suốt mùa đông 1716 vua Karl XII lưu lại Lund, ở mũi cực nam của Thụy Điển, đối diện với Đan Mạch ở bờ biển bên kia. Cuối cùng, nhà vua sống và làm việc ở đây trong gần hai năm.

Nhiều người Thụy Điển xem việc ông trở về nước là điều bất hạnh. Từ ước vọng vinh quang cho đất nước và nền thương mại phồn thịnh, họ đã chuyển qua khát khao hòa bình. Vua Karl XII biết thế, nhưng giải thích với em gái Ulrika:

Quả nhân không hề chống lại hòa bình. Quả nhân chỉ mong một nền hòa bình có thể duy trì được trong lâu dài. Đa số các nước đều muốn Thụy Điển suy yếu hơn lúc trước. Chúng ta phải dựa trên thực lực của chính mình trên hết.

— Karl XII


Trong mùa hè 1718, khi đại sứ của hai bên Thụy Điển và Nga đang đi đi về về mang theo các đề xuất và phản đề xuất cho các vòng đàm phán hòa bình, vua Karl XII không hề có ý định hòa hoãn với Nga. Đối với ông đàm phán chỉ là để kéo dài thời gian nhằm đảm bảo Nga sẽ không tấn công chính quốc Thụy Điển, để ông rảnh tay hành quân nơi khác. Trong kế hoạch chinh phạt xứ Na Uy lần này, ông chuẩn bị tốt hơn kế hoạch hai năm trước: ông có đủ binh sĩ, vũ khí và thức ăn để cung cấp cho 60.000 quân Thụy Điển trong vòng 6 tháng. Ông quyết tâm chiếm những pháo đài và đất đai màu mỡ nhất của xứ Na Uy.[78]

Khi hoạch định chiến lược của mình, vua Karl XII nhận ra rằng Nga quá mạnh, nên ông không thể trực diện đánh bật Nga ra khỏi các lãnh thổ đã bị Nga chiếm. Ông muốn đánh gục Đan Mạch trước qua ngả Na Uy, rồi sẽ tính đến Bắc Đức. Từ vị trí được củng cố này, ông định dẫn quân đi đánh Nga lần nữa.